BÀI TUYÊN TRUYỀN
PHÒNG CHỐNG BỆNH BẠCH HẦU, UỐN VÁN
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Hiện nay, có nhiều loại dịch bệnh lây nhiễm diễn ra phức tạp. Nhằm tăng cường nâng cao công tác tuyên truyền và sức khỏe của học sinh. Hôm nay, tôi xin gửi đến các thầy cô và các em những thông tin về phòng ngừa, xử trí bệnh bạch hầu, uốn ván và sự cần thiết tiêm chủng vắc xin Uốn ván- Bạch hầu (Td).
* Thế nào là bệnh bạch hầu, uốn ván?
1. Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở vùng mũi, họng, ... Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp hoặc lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn... có chứa mầm bệnh gây bệnh. Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ vì trụy tim mạch.
* Bệnh bạch hầu lây như thế nào?
Lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da…
* Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch hầu.
Bạch hầu thể họng: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.
Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở.
2. Bệnh uốn ván (tetanus) là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanusexotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí.
* Nguồn lây bệnh uốn ván
Vi khuẩn nhất là bào tử uốn ván có khắp nơi trong đất cát, khói bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ…, xâm nhập vào các vết thương, vết xước phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván.
* Triệu chứng bệnh uốn ván
Thời kỳ ủ bệnh khoảng 3 – 21 ngày. Các triệu chứng bạn có thể gặp bao gồm:
- Đau đầu
- Cứng khớp hàm, cổ và vai của bạn, có thể dần dần kéo dài đến các bộ phận khác của cơ thể, gây ra co thắt cơ bắp
- Khó nuốt, khó thở, có thể dẫn đến viêm phổi
- Co giật
Bệnh uốn ván tuy có thể dễ dàng phát hiện thông qua các triệu chứng lâm sàng đặc trưng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, ngay khi có bất cứ nghi ngờ mắc bệnh uốn ván, người bệnh nên đi khám và làm xét nghiệm uốn ván càng sớm càng tốt.
* Phòng ngừa bệnh uốn ván
- Xử lý khi có vết thương trên cơ thể: cần phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm. Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…
Để chủ động phòng ngừa bệnh Bạch hầu, uốn ván hiện nay Bộ y tế đang triển khai tiêm vắc xin Uốn ván - Bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu và uốn ván cho trẻ 7 tuổi, và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh Bạch hầu và Uốn.
- Do vậy tiêm vắc-xin bạch hầu uốn ván là phương pháp phòng ngừa bệnh uốn ván, bạch hầu có hiệu quả.
Vắc- xin Td có công dụng gì?
Vắc-xin Td hay còn gọi là vắc-xin uốn ván bạch hầu. Vắc-xin này kết hợp từ giải độc tố uốn ván và giải độc tố bạch hầu tinh chế và hấp phụ bằng Aluminium phosphate. Vắc-xin được chỉ định để phòng bạch hầu và uốn ván cho người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên.
Tiêm vắc xin Td nhắc lại hoặc bổ sung nhằm giúp trẻ tăng đáp ứng miễn dịch phòng bệnh bạch hầu và uốn ván cho trẻ nếu trẻ chưa tiêm hoặc tiêm không đủ mũi hoặc đã tiêm đủ mũi vắc xin phòng bạch hầu và uốn ván lúc trẻ dưới 2 tuổi, kiểm soát dịch bạch hầu không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng.
Để chuẩn bị cho buổi tiêm chủng vắc xin Tb đạt hiệu quả cao, các em cần nhắc bố mẹ chuẩn bị cho chúng ta: Ăn uống đầy đủ, nhớ mang theo giấy thông báo tiêm và thông báo tình hình sức khỏe của con em mình với cán bộ y tế.
Khi sang trạm y tế tiêm chúng ta sẽ được tư vấn khám sức khỏe trước tiêm, hướng dẫn theo dõi sau tiêm.
Trên đây là bài tuyên truyền phòng chống bệnh bạch hầu-uốn ván và tác dụng của vắc xin Tb phòng bệnh. Mong rằng các quý thầy cô, các bậc phụ huynh cùng các em học sinh sẽ có những kiến thức để phòng chống bệnh tốt hơn, cũng như buổi tiêm chủng đạt kết quả tốt
Xin kính chúc các thầy cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc các em học sinh tuần học mới đạt kết quả cao.
Nguowif viết bài: Nguyễn Thị Luyến