BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG VỀ CÁC DỊCH BỆNH
KHI GIAO MÙA (ĐÔNG – XUÂN)
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Tiết trời đang chuyển mình từ mùa đông sang mùa xuân, thời tiết thay đổi đột ngột, lúc khô hanh lúc ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và chính là thời điểm làm bộc phát các bệnh sau:
1. Bệnh liên quan đến đường hô hấp
Viêm họng cấp tính: Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, gặp cả ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi.
Nguyên nhân gây bệnh: vi khuẩn hoặc virus.
Nếu không được chữa trị hiệu quả, bệnh có thể dẫn đến viêm phổi, viêm khớp, biến chứng tại cơ tim và van tim
Viêm phế quản: Bệnh thường xảy ra sau khi thay đổi thời tiết hoặc bị viêm họng, viêm mũi do không chữa trị hiệu quả kịp thời. Nhiều trường hợp mắc bệnh chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ nhưng nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, dễ bị nhiễm trùng lan rộng và sâu hơn vào phế quản phổi, phế nang và nhu mô phổi rất nguy hiểm với các triệu chứng sốt cao, ho khạc, ho đàm đặc, có màu xanh hoặc vàng, nằm li bì.
Cảm cúm: Trẻ em là nhóm mắc căn bệnh này nhiều do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện khiến virus cúm dễ dàng gây bệnh.
Bệnh do vi rút cúm gây ra. Bệnh lây lan qua nước bọt, nước mũi, đờm của người mang mầm bệnh
Triệu chứng: Sốt nhẹ, có thể ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, nghẹt mũi, chán ăn, đặc biệt là hắt hơi nhiều và chảy nước mũi trong.
2. Bệnh về đường tiêu hóa
Triệu chứng của bệnh là: phát bệnh đột ngột, sốt (nhiệt độ cơ thể lên tới 38 0C ~ 40 0C), phần lớn kèm theo bệnh cảm nhiễm đường hô hấp (như sổ mũi, hắt hơi, ngạt mũi, ho, dát họng). Bệnh nặng biểu hiện đại tiện dạng nước hoặc buồn nôn.
Tiêu chảy cấp chủ yếu là do thức ăn bị nhiễm bẩn. Tác nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả…) hoặc vi rút, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
3. Viêm não Nhật Bản.
Đây là một bệnh nhiễm trùng thần kinh do một loại Arbovirut nhóm B gây lên. Bệnh lan tràn từ súc vật sang người qua vật trung gian là muỗi. Tỷ lệ tử vong ở bệnh viêm não Nhật Bản khá cao, nếu có chữa khỏi thì cũng để lại di chứng thần kinh nặng nề. Khị bị bệnh, người bệnh sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức rồi đi vào hôn mê nhanh chóng. Một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh.
Có thể phòng bệnh bằng cách: Giữ môi trường trong sạch, nhà ở thoáng mát, nằm màn khi ngủ, phun thuốc diệt muỗi và côn trùng, tiêm phòng vacxin viêm não Nhật Bản.
4. Viêm màng não.
Viêm màng não do vi rút là loại rất phổ biến và đôi khi không có biểu hiện rõ rệt (người bệnh không biết mình có bệnh). Viêm màng não do vi khuẩn ít phổ biến hơn nhưng đe dọa đến tính mạng và đòi hỏi phải có phác đồ điều trị ngay.
Bệnh phụ thuộc vào loại khuẩn, viêm màng não do vi khuẩn gây tử vong cho 10 – 20 % trường hợp măc bệnh và có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho não như: điếc hay rối loạn thị giác….và gây biến chưng nguy hiểm như: nhiễm trùng máu.
- Nhiễm trùng máu là một biến chứng nguy hiểm của viêm màng não do vi khuẩn xâm nhập vào máu và nhanh chóng sinh sôi.
- Hiện chưa có bất kì văn bản chuẩn nào về chứng bệnh này. Giai đoạn cửa sổ thường 6 ngày đến 3 tuần, phụ thuộc vào loại viêm màng não.
- Triệu chứng có biểu hiện rõ rệt hoặc không có biểu hiện gì, thường thì có các triệu chứng sau: chảy nước mũi, sốt cao hay hâm hấp, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn vọt, sợ ánh sáng và cưng cổ.
- Có những trường hợp nhẹ thì chỉ biểu hiện như: lơ mơ trong chốc lát, cáu kỉnh cả ngày……
5. Viêm màng kết, đau mắt đỏ.
- Hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh do mắt tiếp xúc với tay bẩn, quần áo và khăn mặt. Biểu hiện thường thấy là mắt đỏ và cộm, đôi khi chảy nước vàng và có rỉ mắt vào ban đêm.
- Cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nếu do vi khuẩn, bác sĩ kê đơn thuốc nhỏ mắt, dùng kháng sinh. Nếu bệnh do vi rút thì bệnh sẽ tự khỏi kèm theo điều trị triệu chứng.
6. Bệnh thủy đậu.
- Thủy đậu là bệnh thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất ở các em nhỏ. Các em rất dễ bị bệnh này. Khi dịch lỏng có chứa vi rút thủy đậu do người bệnh ho phát tán trong không khí thì chỉ cần bạn ho 1 tiếng có thể hít phải hàng chục con vi rút này. Triệu chứng bệnh chỉ biểu hiện sau 10 đến 21 ngày từ khi nhiễm vi rút. Những vết phồng đỏ mọng nước nổi lên trên, chúng gây ngứa và sau đó đóng vẩy.
- Hầu hết các trường hợp mắc bệnh chỉ được điều trị các triệu chứng, nên tiêm tiêm vắc xin phòng thủy đậu là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.
7. Bệnh sởi
Người là nguồn bệnh duy nhất, lây trực tiếp qua đường hô hấp.
Bệnh ủ từ: 10 - 12 ngày, sau đó bội phát với hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt 38,5oC - 40oC, nhức đầu, mệt mỏi, … kèm theo.
+ Mắt: Kết mạc đỏ, phù mi mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
+ Hô hấp: Sổ mũi, hắt hơi, khản tiếng, ho khan, có khi có ít đờm.
+ Tiêu hoá: Nôn, chớ, đi ngoài phân lỏng.
- Có hạt nội bang: Trên nền niêm mạc má đỏ hồng nổi lên những chấm trắng, nhỏ, đường kính khoảng 1mm. Sau đó là ban rát sẩn, màu đỏ, hồng hay tía. Hình tròn hạt hình bầu dục, to bàng hạt đậu, hay cánh bèo tấm, sờ vào mềm, mịn như sờ vào tấm vải nhung, giữa các ban sởi có khoảng da lành.
Virus sởi phá huỷ lớp biểu mô niêm mạc và hệ thống miễn dịch, làm giảm lượng vitamin A, do đó trẻ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác: như Viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tai giữa, Viêm não sau sởi .
- Tiêm phòng vác xin sởi đầy đủ là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.
8. Bệnh tay – chân – miệng
Là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em. Bệnh lây theo đường tiêu hoá và dễ phát triển thành dịch. Bệnh lây từ người sang người qua trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, phỏng (mụn nước bị vỡ).
- Bệnh do vi rút gây ra, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
- Bệnh biểu hiện ban đầu bằng sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, nổi phỏng (bóng) nước.
- Phỏng (bóng) nước trong miệng thường thấy ở lợi, lưỡi và mặt trong của má. Ban đầu là những chấm đỏ xuất hiện 1 – 2 ngày sau khi sốt, tiến triển thành phỏng (bóng) nước vỡ ra thành vết loét.
- Phỏng (mụn nước) cũng xuất hiện ở da, thường thấy ở lòng ban tay, lòng bàn chân…
Để phòng tránh bệnh lúc giao mùa chúng ta cần:
- Bổ sung lượng nước cho cơ thể và chế độ thực phẩm hợp lý: Nước giúp thanh lọc cơ thể, nâng cao sức đề kháng. Vì thế cần đảm bảo từ 2 lít đến 2,5 lít/1 người/1 ngày.
- Bổ sung các loại Vitamin và các chất đề kháng cho cơ thể: Vitamin có vai trò tăng cường sức đề kháng toàn diện và tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.
- Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt: Không nên ăn sống, ăn đồ lạnh, nên ăn thức ăn chín, uống nước sôi, rửa sạch chân tay, giữ vệ sinh cá nhân tốt. Khử trùng bát đũa: Dụng cụ dùng trong ăn uống (thớt, kéo, các đồ đựng) vệ sinh sạch sẽ sau khi dùng, trước khi dùng nên khử trùng.
- Bảo quản thức ăn tốt: Thức ăn đặt trong tủ lạnh nên để trong hộp sạch sẽ. Phải nấu kỹ trước khi ăn. Giữ bầu không khí trong lành, thoáng mát, mở cửa sổ để cho không khí trong nhà lưu thông giảm khả năng gây bệnh cho chúng ta.
+ Một biện pháp đơn giản và dễ làm nhất để phong tránh các bệnh lây nhiễm trên chính là rửa tay bằng xà phòng và nước sạch nhất là trước khi ăn và sau khi vệ sinh. Sau đây, toàn trường chúng ta cùng thực hiện các bước rửa tay bằng xà phòng để góp phần phòng tránh các dịch bệnh.
Thầy cô và các em vừa được nghe tuyên truyền về nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng các bệnh hay mắc khi thời tiết giao mùa. Tôi mong sau buổi ngoại khóa hôm nay các thầy cô và các em học sinh chúng ta biết cách chủ động phòng tránh cho bản thân và tuyên truyền tới gia đình, cộng đồng.
Kính chúc thầy cô và các em luôn mạnh khỏe để dạy và học tốt!