VẬN DỤNG LINH HOẠT PHƯƠNG PHÁP KỂ CHUYỆN TRONG DẠY HỌC LS&ĐL – BIẾN GIỜ HỌC THÀNH CHUYẾN HÀNH TRÌNH SỐNG ĐỘNG
Dạy học Lịch sử & Địa lí theo Chương trình GDPT 2018 đặt ra không ít thách thức cho giáo viên, đặc biệt là làm sao để học sinh không chỉ hứng thú khám phá sự kiện, địa danh mà còn hiểu sâu sắc ý nghĩa của chúng trong dòng chảy lịch sử và thực tiễn cuộc sống. Nhằm giải quyết vấn đề này, tổ 4-5 đã triển khai chuyên đề “Vận dụng linh hoạt phương pháp kể chuyện trong dạy học Lịch sử & Địa lí lớp 4-5” với mục tiêu nâng cao năng lực nhận thức khoa học lịch sử - địa lí và khơi dậy niềm say mê sưu tầm tư liệu trong học sinh.
Trong tiết dạy minh họa với bài học “Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954”, tổ 4-5 đã tổ chức thành công Hội thi kể chuyện lịch sử “Huyền thoại Điện Biên”, gồm hai phần thi hấp dẫn: Khởi động và Thi kể chuyện. Học sinh được chia thành bốn đội, mỗi đội mang tên một anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay từ tiết học trước, các nhóm đã được giao nhiệm vụ sưu tầm tư liệu, hình ảnh và chuẩn bị bài trình bày. Điều này giúp các em chủ động tìm hiểu kiến thức lịch sử, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và sử dụng công nghệ để thiết kế slide thuyết trình.
Ở phần thi Khởi động, học sinh hào hứng trả lời các câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức bài học trước. Đến phần thi chính, các đội đã thể hiện tài kể chuyện bằng nhiều hình thức sáng tạo như: kể chuyện kết hợp đóng vai, chiếu tranh ảnh minh họa, sử dụng video tư liệu… Những câu chuyện về Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trần Can không chỉ được tái hiện sinh động mà còn khơi gợi niềm xúc động, tự hào trong lòng các em. Sau mỗi phần thi, học sinh còn tham gia giao lưu, trao đổi bằng các hoạt động như đặt câu hỏi thảo luận, làm phiếu khảo sát…, từ đó giúp các em khắc sâu bài học và phát triển tư duy phản biện.
Qua chuyên đề này, giáo viên Tiểu học Gia Tân biết vận dụng linh hoạt phương pháp kể chuyện – một phương pháp dạy học hiệu quả để khắc phục những khó khăn trong giảng dạy Lịch sử - Địa lí, đồng thời góp phần rèn luyện phẩm chất, năng lực cho học sinh. Khi lịch sử không còn là những sự kiện khô khan mà trở thành những câu chuyện sống động, học sinh sẽ thêm yêu thích môn học và trân trọng hơn giá trị của lịch sử dân tộc./.
Sau đây là một số hình ảnh của tiết học:
Người viết bài: Nguyễn Thị Thảo